Khai mạc Hội nghị Chính sách An ninh diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC)
(ADMM-2020) - Sáng 19/5/2010, tại Đà Nẵng, Hội nghị Chính sách An ninh khu vực cấp thứ trưởng Quốc phòng (ASPC) đã chính thức khai mạc. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam chủ trì hội nghị.
Hội nghị Chính sách An ninh khu vực cấp thứ trưởng Quốc phòng (ASPC) được tổ chức hàng năm bên cạnh các Hội nghị Quan chức cấp cao Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF SOM). ASPC đã trải qua 6 kỳ hội nghị, được tổ chức tại các nước Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Philippin, Singapo và Thái Lan.
Hội nghị lần này có sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, 17 đối tác đối thoại của ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Theo chương trình nghị sự, Hội nghị lần này sẽ gồm các nội dung chính là: đánh giá tình hình an ninh khu vực và quốc tế, tự nguyện thông báo chính sách an ninh của quốc gia mình; trao đổi về việc tăng cường hơn nữa tiềm năng ARF trong đối phó với các thách thức phi truyền thống. Các đại biểu cũng sẽ nghe thông báo về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 4 (ADMM-4) vừa được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 10-13/5/2010.
Một số nét về Hội nghị Chính sách An ninh khu vực cấp thứ trưởng Quốc phòng:
Kể từ năm 2004, Hội nghị Chính sách An ninh khu vực cấp thứ trưởng Quốc phòng (ASPC) đã được chính thức hóa, trở thành hoạt động thường niên của ARF. Kể từ đó đến nay ASPC đã qua 6 kỳ hội nghị. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra từ 4-6/11/2004 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào ngày 19/5/2005 tại Viên-chăn, Lào. Hội nghị lần thứ ba diễn ra ngày 19/5/2006 tại Karabunai, Mông Cổ. Hội nghị lần thứ tư được tổ chức tại Manila, Philippin, ngày 24/5/2007. Hội nghị lần thứ năm tổ chức tại Singapo vào ngày 8/5/2008. Hội nghị lần thứ sáu diễn ra ngày 19/5/2009 tại Phuket, Thái Lan.
Các mục tiêu chính của ASPC là: tăng cường sự tham gia của quan chức quốc phòng và hợp tác về các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự trong khuổn khổ ARF; mở thêm các kênh mới về đối thoại và trao đổi giữa các quan chức quốc phòng, các nhà ngoại giao cũng như những nhân vật quan trọng trong lĩnh vực quân sự, thúc đẩy lòng tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các quan chức quốc phòng; củng cố và khẳng định tiến trình của ARF, thúc đẩy ARF tiến lên phía trước theo các nguyên tắc: ASPC là một bộ phận cấu thành của ARF, hành động theo tinh thần của ARF là diễn đàn chính trị và an ninh, tôn trọng các nguyên tắc của ARF (như tham gia bình đẳng, tham vấn, tiệm tiến và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác...); các hình thức thảo luận khác nhau sẽ được xem xét cụ thể ở từng hội nghị thay vì bám vào một chủ đề; trao đổi quan điểm và đối thoại tự do, không chính thức, và không đưa ra bất kỳ một văn bản ràng buộc nào; chương trình nghị sự của hội nghị sẽ được quyết định thông qua sự đồng thuận và mức độ hài lòng của tất cả các thành viên.
Hiện ASPC đang chuyển dần từ đối thoại chính sách sang hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể và liên quan tới tất cả các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ARF như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, giảm nhẹ thiên tai, an ninh biển...